I - NỘI DUNG
1. Những biểu hiện của nội dung yêu nước trong văn học từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX? So với giai đoạn trước, nội dung yêu nước trong văn học giai đoạn này có biểu hiện gì mới.
Trả lời:
- Nội dung yêu nước: yêu thiên nhiên, đất nước, niềm tự hào dân tộc, lòng căm thù giặc, ý chí chiến đấu bất khuất chống giặc ngoại xâm.
- Bên cạnh những nội dung yêu nước đã có trong văn học các giai đoạn trước, ở giai đoạn văn học này (từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX) xuất hiện những nội dung mới:
+ Ý thức về vai trò của người trí thức đối với đất nước (Chiểu cầu hiền - Ngô Thì Nhậm)
+ Tư tưởng canh tân đất nước (Xin lập khoa luật - Nguyễn Trường Tộ)
+ Tìm hướng đi mới cho cuộc đời trong hoàn cảnh xã hội bế tắc (Bài ca ngắn đi trên bãi cát - Cao Bá Quát),...
- Chủ nghĩa yêu nước trong văn học nửa cuối thế kỷ XIX còn mang âm hưởng bi tráng, thể hiện đặc biệt rõ nét trong những sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu.
2. Theo anh (chị) vì sao có thể nói văn học từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX xuất hiện trào lưu nhân đạo chủ nghĩa? Hãy chỉ ra những biểu hiện phong phú, đa dạng của nội dung nhân đạo trong giai đoạn này. Anh (chị) hãy cho biết: vấn đề cơ bản nhất của nội dung nhân đạo trong văn học thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX là gì?
Trả lời:
- Văn học từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX xuất hiện một trào lưu nhân đạo chủ nghĩa. Có thể nói, chủ nghĩa nhân đạo trong giai đoạn này trớ thành một trào lưu bởi trong đời sống văn học xuất hiện liên tiếp hàng loạt những tác phẩm mang nội dung nhân đạo có giá trị lớn như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, thơ Hồ Xuân Hương,...
- Những nội dung chủ đạo chủ yếu thể hiện trong văn học giai đoạn này là:
+ Sự thương cảm trước bi kịch và đồng cảm với khát vọng của con người;
+ Khẳng định, đề cao tài năng, nhân phẩm, lên án những thế lực tàn bạo chà đạp con người;
+ Đề cao truyền thống đạo lý, nhân nghĩa của dân tộc.
- Cảm hứng nhân đạo trong giai đoạn này cũng có những biểu hiện mới so với các giai đoạn văn học trước:
+ Hướng vào quyền sống của con người, nhất là con người trần thế (Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương);
+ Ý thức về cá nhân đậm nét hơn (ý thức về quyền sống cá nhân, hạnh phúc cá nhân, tài năng cá nhân,.... qua các tác phẩm như Đọc Tiểu Thanh kí - Nguyễn Du, Tự tình (bài II) - Hồ Xuân Hương, Bài ca ngất ngưởng - Nguyễn Công Trứ).
3. Phân tích giá trị phản ánh và phê phán hiện thực của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh.
Trả lời:
a. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm của đoạn trích (Nêu luận điểm của đề)
b. Thân bài: Cần triển khai rõ các ý sau:
* Bức tranh hiện thực về cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa:
- Quang cảnh nơi phủ chúa hiện lên cực kỳ xa hoa, tráng lệ và không kém phần tôn nghiêm. Cảnh nói lên uy quyền tột bậc của nhà chúa. Những tiếng quát tháo, truyền lệnh, những tiếng dạ ran, những con người oai vệ, những con người khúm núm, sợ sệt… có những cửa gác, mọi việc đều có quan truyền mệnh, chỉ dẫn. Thầy thuốc khám bệnh phải chờ, nín thở, khúm núm, lạy tạ.
- Cùng với sự xa hoa là cung cách sinh hoạt đầy kiểu cách: từ nơi ở đến tiện nghi, từ vật dụng đến đồ ăn thức uống. Đến cả việc đi đứng, nói năng cũng vô cùng kiểu cách.
* Cuộc sống nơi Trịnh phủ thiếu sinh khí vô cùng. Đó cũng là nguyên nhân gây ra sự ốm yếu của thái tử Cán. Sự thâm nghiêm kiểu mê cung càng làm tăng âm khí nơi phủ chúa.
- Qua cách nói mỉa mai châm biếm của tác giả, ta thấy sự lộng quyền của nhà chúa với quyền uy tối thượng và nếp sống hưởng thụ cực kỳ xa hoa của chúa Trịnh cùng gia đình; sự thật bù nhìn của vua Lê khi ấy… Cuộc sống vật chất đầy đủ giàu sang nhưng phẩm chất tinh thần, ý chí nghị lực trống rỗng. Đó cũng chính là hình ảnh suy yếu mục ruỗng của tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh những năm cuối thế kỉ XVIII.
- Qua cách miêu tả người tả cảnh rất khách quan, tác giả đã ngầm phê phán kín đáo cảnh giàu sang xa hoa quyền uy ghê gớm của chúa Trịnh đồng thời thể hiện tâm hồn cao thượng, khát khao cuộc sống tự do không màng danh lợi của vị danh y Hải Thượng Lãn Ông.
c. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề và liên hệ bản thân.
4. Những giá trị nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu? Tại sao nói, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, lần đầu tiên trong văn học dân tộc có một tượng đài bi tráng và bất tử về người nông dân nghĩa sĩ.
Trả lời:
- Giá trị nội dung: Nổi bật nhất trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là nội dung đề cao đạo lý nhân nghĩa qua Truyện Lục Vân Tiên và nội dung yêu nước qua Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Chạy Tây và nhất là qua Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
- Giá trị nghệ thuật: Đóng góp nổi bật nhất của Nguyễn Đình Chiểu về nghệ thuật là tính chất đạo đức - trữ tình, màu sắc Nam Bộ qua ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật.
- Lý giải: Trước Nguyễn Đình Chiểu, văn học dân tộc chưa có một hình tượng hoàn chỉnh về người anh hùng nông dân nghĩa sĩ. Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, hình tượng người anh hùng nông dân nghĩa sĩ mang vẻ đẹp bi tráng bởi ở hình tượng này có sự kết hợp giữa yếu tố bi (đau thương) với yếu tố tráng (hào hùng). Yếu tố bi được gợi lên từ đời sống lam lũ, vất vả, từ nỗi đau thương, mất mát cúa người nghĩa sĩ và tiếng khóc xót đau của người còn sống. Yếu tố tráng thể hiện ớ lòng căm thù giặc, lòng yêu nước, hành động quả cảm, anh hùng của nghĩa quân, sự ngợi ca công đức những người đã hi sinh vì quê hương, đất nước. Tiếng khóc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tiếng khóc đau thương mà lớn lao, cao cả.