Giải thích từ ngữ:
- “Lòng bốn phương”: Nghĩa là ý chí muốn vùng vẫy khắp thiên hạ.
=> Từ Hải được biết đến là một đấng trượng phu, anh hùng trong thiên hạ thế nên "lòng bốn phương" ý chỉ chí tang bồng, chí làm trai chính là con tim luôn thổn thức trước thời cuộc của xã hội, lòng mong muốn cống hiến cho đất nước, dân tộc.
- "Mặt phi thường" là cụm từ chỉ phẩm chất xuất chúng, hơn người.
=> Từ Hải được gây ấn tượng tốt với người đọc về một đấng đại trượng phu không chỉ với vẻ ngoài lịch lãm, phong độ (Râu hùm hàm én, mày ngài/ Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao) mà quan trọng hơn là toàn bộ phẩm chất, tính cách được thể hiện qua cuộc đời bi tráng của nhân vật. (trong trường hợp này “mặt phi thường” đồng nghĩa với “người phi thường”, “đời phi thường”, “sự nghiệp phi thường”...).
=> Hai cụm từ: “lòng bốn phương” và “mặt phi thường” và có ý nghĩa phổ quát nhưng trong trường này được sử dụng để miêu tả phẩm chất của nhân vật. Trong quan niệm về người anh hùng của Nguyễn Du: những người anh hùng là những người xuất chúng, phi thường, phi phàm, mang tầm vóc vũ trụ chứ không phải người thường.Việc sử dụng những từ ngữ, yếu tố miêu tả so sánh con người với thiên nhiên đã chứng minh cho quan điểm trên.
Nguyễn Du sử dụng rất nhiều từ ngữ biểu thị thái độ trân trọng, kính phục Từ Hải:
- Từ ngữ có sắc thái tôn xưng như: “trượng phu”, “lòng bốn phương”, “mặt phi thường”...
- Từ ngữ chỉ hình ảnh kỳ vĩ, lớn lao: “mười vạn tinh binh”, “bóng tinh rợp đường”, “gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”...
- Từ ngữ diễn tả hành động dứt khoát: “thoắt đã động”, “lên đường thẳng dong”, “quyết lời dứt áo ra đi”...
=> Miêu tả Từ Hải với thái độ ngưỡng mộ, trân trọng và ngợi ca, Nguyễn Du đã dồn tất cả vẻ đẹp của người anh hùng lý tưởng, giấc mơ của nhân dân vào trong hình tượng này.