Soạn văn Lớp 10

Soạn bài Các thao tác nghị luận

222 lượt xem
Soạn bài: “Các thao tác nghị luận”- ngữ văn 10 tập 2 ngắn gọn nhất. Nhằm giúp học sinh giảm bớt thời gian soạn bài nhưng vẫn đảm bảo nắm đủ ý, Sytu.vn giới thiệu các em tổ hợp bài soạn cực ngắn, siêu ngắn và ngắn nhất. Từ đó, học sinh có thêm lựa chọn bài soạn phù hợp với của mình. Soạn “Các thao tác nghị luận” cực ngắn – Sytu.vn.

  • Phổ thông nhất
  • Ngắn nhất
  • Hay nhất

Soạn bài Các thao tác nghị luận phổ thông nhất

Phần I

Trả lời

I - KHÁI NIỆM 

1. Khái niệm về “thao tác”

- Thao tác được dùng để chỉ việc thực hiện những động tác theo đúng trình tự và yêu cầu kỹ thuật nhất định.

- Ví dụ: thao tác mở - đóng máy vi tính, bật - tắt ti vi; khởi động và đi xe máy; ghép cây, quá trình làm đất trồng màu.

2. Thao tác nghị luận

- Là một thao tác gồm những quy định chặt chẽ về động tác, trình tự kỹ thuật và yêu cầu kỹ thuật để thuyết phục người khác nghe theo ý kiến bàn luận về một hiện tượng hoặc một vấn đề nào đó.

- Thao tác nghị luận sử dụng những lời nói phù hợp với lẽ phải và tôn trọng sự thật.

- Một số thao tác nghị luận thường gặp: Phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp và so sánh là những thao tác của tư duy, các thao tác này cũng thường gặp trong hoạt động nghị luận. Tuy nhiên, cần phân biệt sự khác nhau giữa thao tác quy nạp và thao tác tổng hợp; thao tác diễn dịch và thao tác phân tích.

- Mỗi thao tác đều có ưu thế riêng và cũng có thể có những hạn chế riêng. Người nghị luận cần nắm vững các ưu thế và hạn chế đó để có thể vận dụng những thao tác thích hợp, đảm bảo cho hoạt động nghị luận đạt được hiệu quả cao.

Phần II

Trả lời

II - MỘT SỐ THAO TÁC NGHỊ LUẬN CỤ THỂ

1. Ôn lại các thao tác phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp

a. Nhớ lại để điền chính xác định nghĩa về các thao tác: phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp phù hợp với các câu đã cho, điền theo thứ tự đúng là: tổng hợp, phân tích, quy nạp, diễn dịch.

b. Trong lời tựa Trích diễm thỉ tập, Hoàng Đức Lương nhận định: "Thơ văn không lưu truyền hết ở đời là vì nhiều lý do”. Tiếp đó, ông lần lượt trình bày bốn lý do. Anh (chị) thấy tác giả sử dụng thao tác phân tích hay diễn dịch? Vì sao? Việc dùng diễn dịch (hay phân tích) như thế có tác dụng gì?

- Tác giả đã dùng thao tác phân tích chứ không phải thao tác diễn dịch vì ở đây tác giả đã chia vấn đề cần bàn luận thành bốn bộ phận để xem xét chứ không phải từ một tiền đề chung có tính phổ biến để diễn giải những sự vật, hiện tượng riêng.

- Việc sử dụng thao tác phân tích của tác giả có tác dụng chia một nhận định thành các mặt, từ đó làm rõ nguyên nhân khiến thơ ca không lưu truyền hết ở đời.

c. Dựa vào kết quả tìm hiểu trên, hãy nhận xét và đánh giá về cách sử dụng thao tác nghị luận của Thân Nhân Trung trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba (xem đoạn trích trong SGK - 32).

- Từ câu thứ nhất sang câu thứ hai, tác giả sử dụng thao tác phân tích để xem xét hai mặt của mối quan hệ giữa hiền tài và đất nước.

- Từ hai câu đầu sang câu thứ ba, tác giả chuyển từ thao tác phân tích sang thao tác diễn dịch. Tác giả đã dựa vào luận điểm: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” để suy ra một cách đầy sức thuyết phục: phải coi trọng việc bồi đắp nguyên khí, gây dựng nhân tài.

d. Kết quả của Hoàng Đức Lương (xem câu c, SGK trang 132) là tổng hợp hay quy nạp. Đọc đoạn trích (SGK) và cho biết tác giả sử dụng thao tác tổng hợp hay quy nạp? Vì sao?

- Dẫn chứng rút ra từ bài tựa Trích diễm thi tập: Tác giả sử dụng thao tác tổng hợp nhằm thâu tóm những ý bộ phận vào một kết luận chung khiến cho kết luận ấy bao gồm được toàn bộ sức nặng của các luận điểm riêng trước đó.

- Dẫn chứng rút ra từ bài Hịch tướng sĩ: Tác giả sử dụng thao tác quy nạp. Những dẫn chứng khác nhau được sử dụng làm cho kết luận "Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước, đời nào không có?” càng trở nên đáng tin cậy, có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với người nghe (người đọc) cả về lý trí lẫn tình cảm.

e. Những nhận định nêu dưới đây (SGK) đúng hay không? Vì sao?

SGK đưa ra ba nhận định, yêu cầu đọc kỹ để nhận ra nhận định nào đúng, nhận định nào sai, từ đó hiểu biết sâu hơn về các thao tác nghị luận, phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp.

- Nhận định thứ nhất đúng với điều kiện tiền đề để diễn dịch phải chân thực và cách suy luận khi diễn dịch phải chính xác. Khi đó, kết luận rút ra sẽ mang tính tất yếu, không thể bác bỏ, cũng không cần phải chứng minh.

- Nhận định thứ hai chưa chính xác. Chừng nào sự quy nạp còn chưa đầy đủ (chưa xét toàn bộ các trường hợp riêng) thì chừng đó, mối liên hẹ giữa tiền đề và kết luận còn chưa chắc chắn, tính xác thực của kết luận còn phải chờ thực tiễn chứng minh.

- Nhận định thứ ba đúng vì phải có quy trình tổng hợp sau khi phân tích thì công việc xem xét, tìm hiểu một sự vật, hiện tượng mới thực sự hoàn thành.

2. Thao tác so sánh

a. Trong bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, sau khi dẫn ra những tấm gương của sự cống hiến, hi sinh cho kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”.

Tác giả dùng thao tác nào? Câu văn nhấn mạnh sự khác nhau hay giống nhau?

- Tác giả sử dụng thao tác so sánh. So sánh tinh thần yêu nước của nhân dân ta thời xưa với tinh thần yêu nước của đồng bào ta ngày nay.

- Câu văn được viết nhằm nhấn mạnh đến sự giống nhau.

b. Đoạn Bàn về việc so sánh đức Lý và nhà Lê trong Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu (xem mục 2.b SGK trang 133) có cùng mục đích nhấn mạnh sự khác nhau (hoặc giống nhau) như đoạn trên không? Từ đó suy ra thao tác so sánh gồm mấy loại chính?

- Đoạn văn của Lê Văn Hưu sử dụng thao tác so sánh nhằm nhấn mạnh đến sự khác nhau, khác nhau giữa Lý Thái Tổ và Lê Đại Hành trong hai việc: “dẹp gian bên trong, đánh giặc bên ngoài để làm mạnh nước Việt” và “ân uy rõ rệt, lòng người vui vẻ suy tôn, làm cho vận nước lâu dài, để phúc lại cho con cháu”.

- Từ (a) và (b) suy ra: thao tác so sánh gồm hai loại chính, so sánh nhằm nhận ra sự giống nhau và so sánh nhằm nhận ra sự khác nhau.

c) Có người hoài nghi tác dụng của so sánh vì cho rằng “mọi so sánh đều khập khiễng”. Anh (chị) có tán thành ý kiến đó không? Vì sao?

- Ý kiến cho rằng “mọi so sánh đều khập khiễng” cũng có lý khi mà trong so sánh ta đòi hỏi đối tượng so sánh phải hoàn toàn tương đồng hoặc tương phản. Nhưng không nên vì thế mà hoài nghi tác dụng của so sánh, bởi vì so sánh sẽ giúp ta nhận thức về đối tượng một cách rõ nét và sâu sắc hơn.

 - Trong bốn câu SGK đưa ra, câu trả lời thứ hai chưa đúng (“Những đối tượng được so sánh phải hoàn toàn tương đồng hoặc tương phản nhau”). Các câu còn lại đều đúng. Trước hết, muốn so sánh thì đối tượng phải có mối liên quan với nhau về một mặt (một phương diện) nào đó. So sánh phải dựa trên những tiêu chí cụ thể, rõ ràng và có ý nghĩa quan trọng đối với sự nhận thức bản chất của vấn đề (sự vật, hiện tượng). Những kết luận rút ra từ so sánh phải chân thực, mới mẻ, bổ ích, giúp cho việc nhận thức vấn đề (sự vật, hiện tượng) được sáng tỏ và sâu sắc hơn.

Phần III

Trả lời

III - LUYỆN TẬP

Câu 1 (trang 134 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

Tìm hiểu đoạn trích trong Nguyễn Trãi - Nhà văn hoá lớn (SGK trang 134) và trả lời câu hỏi

a. Tác giả muốn chứng minh điều gì?

b. Để làm rõ điều phải chứng minh, tác giả đã sử dụng những thao tác nghị luận chủ yếu nào?

c. Cách dùng những thao tác nghị luận đó hay ở chỗ nào?

Trả lời:

a. Tác giả muốn chứng minh: “Thơ Nôm Nguyễn Trãi đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn hoá dân gian”.

b. Thao tác nghị luận chủ yếu được tác giả sử dụng để làm rõ điều phải chứng minh là thao tác phân tích. Tác giả đã phân chia luận điểm chung thành những bộ phận nhỏ (thi liệu dân gian, ngôn ngữ dân gian...). Mỗi bộ phận nhỏ lại được chia thành những bộ phận nhỏ hơn (chẳng hạn, ngôn ngữ dân gian được chia thành tục ngữ, thành ngữ, ca dao, thanh điệu...). Nhờ thế, luận điểm của đoạn trích được xem xét một cách cặn kẽ, thấu đáo.

c. Từ trường hợp riêng của Nguyễn Trãi, tác giả đã nâng lên thành sứ mệnh, thành chức năng cao quý của văn chương nghệ thuật. Nhờ thao tác quy nạp, tầm vóc tư tưởng của đoạn trích được nâng lên rõ rệt.

Câu 2 (trang 134 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

Viết một đoạn văn nghị luận theo các yêu cầu của SGK (mục 2, trang 134)

Học sinh cần chú ý:

- Những vấn đề đang được đặt ra cấp thiết trong đời sống như: vấn đề an toàn giao thông; phòng chống tệ nạn xã hội; vấn đề lý tưởng của thanh niên hiện nay;...

Người viết cần tìm hiểu kỹ một trong các vấn đề gợi ý trên để đưa ra được những luận điểm xác đáng, có sức thuyết phục.

- Căn cứ vào nội dung nghị luận và xác định đối tượng người đọc (người nghe) để lựa chọn các thao tác nghị luận thích hợp.

- Bài viết chỉ yêu cầu viết một đoạn văn nên ngoài viết cần tập trung vào một vài luận điểm chính.

Đoạn văn tham khảo:

     Mỗi năm, có hơn 4,8 triệu tấn chất thải nhựa được đẩy ra ngoài biển và đại dương. Những chất thải nhựa này chủ yếu là túi nilon, bong bóng, nắp chai, bật lửa, nút nhựa tổng hợp từ quần áo... Cụ thể, có khoảng 580.000 phế phẩm từ nhựa trôi nổi trên diện tích 1km vuông nước biển và con số này đang ngày một tăng lên theo cấp số nhân. Nếu vào năm 1960, số lượng nhựa được phát hiện trong bụng của các loài chim biển chỉ khoảng 5% thì vào năm 2010, con số này đã tăng lên tới 80%. Rác thải từ nhựa đặc biệt nguy hiểm đối với sự sống của các sinh vật biển. Các sinh vật này không phân biệt được đâu là thức ăn, đâu là rác thải từ nhựa như túi nilon, chai lọ,... nên chúng ăn các loại phế phẩm này và nhanh chóng bị các chất độc trong nhựa giết chết. Do đó, tất cả hãy cùng hành động để bảo vệ môi trường chỉ bằng những việc làm thường ngày:

   - Mang theo làn đi chợ.

   - Sử dụng túi giấy thay vì túi nilon.

   - Không sử dụng ống hút.

   - Chuyển sang sử dụng nước uống trong chai thuỷ tinh thay vì nước trong chai nhựa.

   - Phân loại rác và để rác đúng nơi quy định.

Soạn bài Các thao tác nghị luận ngắn nhất

Phần I

Trả lời

Luyện tập

Phần II

Trả lời

II. Soạn bài siêu ngắn: Các thao tác nghị luận

Bài tập 1:

Tác giả muốn chứng minh: "Thơ Nôm Nguyễn Trãi đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn hoá dân gian, văn học dân gian"

  • Thao tác nghị luận là thao tác phân tích
  • Cái hay của cách dùng các thao tác nghị luận : Xem xét sự việc thấu đáo nhờ phân tích ; Tư tưởng đoạn trích được nâng lên cao hơn nhờ quy nạp.
Phần III

Trả lời

Bài tập 2: Viết một đoạn văn nghị luận sao cho đạt được các yêu cầu

Bài viết tham khảo

Cuộc sống hiện đại với sự bùng nổ công nghệ thông tin đem tới cho con người những tiện ích tối ưu. Thế nhưng sự hiện đại của công nghệ cũng kéo theo những hệ lụy không nhỏ cho cuộc sống của chúng ta. Ngày nay, ngoài việc kết nối qua việc gặp gỡ, thư từ ta còn còn có những trang mạng xã hội mà ở đó, con người có thể kết nối, làm quen, kết bạn với hàng nghìn, hàng triệu người ở khắp mọi nơi trên thé giới một cách dễ dàng chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Ẩn sau sự dễ dàng kết nối ấy, các loại tội phạm công nghệ cao cũng có một thế giới vô cùng rộng để lộng hành. Tội phạm công nghệ với mạng lưới đánh bạc, cá cược xuyên quốc gia; những công ty đa cấp lừa đảo người tiêu dùng; những yêu râu xanh ẩn sau danh nghĩa bạn chia sẻ; những trang web đen, web bẩn với nội dung đồi trụy, phản động tràn lan...Thông tin cá nhân của người sử dụng có thể bị lộ bất cứ lúc nào nếu chúng ta không cẩn thận. Tất cả những hành vi trên, tuy có khác nhau về cách thức nhưng nhìn chung đều có hại, khiến chúng ta sống trong lo sợ, không có cảm giác an toàn. Hãy là người sử dụng công nghệ thông thái!

Soạn bài Các thao tác nghị luận hay nhất

Phần I

Trả lời

- Ví dụ trong thực tế người ta hay dùng từ “thao tác”: Thao tác tắt-mở điện thoại, thao tác đi xe đạp, thao tác giặt quần áo,…

- Từ những ví dụ trên, từ “thao tác” được dùng với ý nghĩa: chỉ việc thực hiện những động tác theo trình tự và yêu cầu kĩ thuật nhất định.

- Thao tác nghị luận cũng chính là một loại thao tác thực hiện những động tác theo trình tự và yêu cầu kĩ thuật nhất định. Nhưng thao tác nghị luận khác với các loại thao tác khác ở chỗ nó là hoạt động của tư duy nhằm thuyết phục người đọc, người nghe hướng theo vấn đề mình đang bàn luận đến.

Phần II

Trả lời

1. Ôn lại các thao tác phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp.

a. Điền từ vào vị trí thích hợp:

- Tổng hợp là kết hợp các phần… để xem xét.

- Phân tích là chia vấn đề cần bàn…và kĩ càng.

- Quy nạp là từ cái riêng…nguyên lí phổ biến.

- Diễn dịch là từ tiền đề chung…hiện tượng riêng.

b.

- Trong lời tựa “Trích diễm thi tập” Hoàng Đức Lương đã sử dụng thao tác phân tích: chia luận điểm chính thành 4 luận cứ nhỏ nhằm chỉ rõ những lí do cụ thể làm cho “thơ văn không lưu truyền hết ở đời”, sử dụng thao tác phân tích này sẽ làm cho người tiếp nhận hiểu sâu hơn và chi tiết hơn nội dung mà tác giả đề cập.

- Trong lập luận “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”: Câu 1 dùng thao tác phân tích: Nguyên khí của quốc gia chính là sự hưng thịnh của đất nước -> hiền tài là nguyên khí của quốc gia -> vận mệnh của đất nước hưng hay thịnh đều phụ thuộc vào nhân tố “hiền tài” -> Khẳng định vai trò cực kì quan trọng của hiền tài đối với đất nước. Câu 1 làm tiền đề để phát triển câu 2 (sử dụng phương pháp diễn dịch): từ luận điểm hiền tài có vai trò quan trọng suy ra  thời đại nào cũng phải đặc biệt quan tâm bồi dưỡng nhân tài.

c.

- Trong lời tựa “Trích diễm thi tập”, sau khi nêu 4 lí do hạn chế, tác giả rút ra kết luận: “Vậy thì các bản thảo thơ văn cũ mỏng manh kia còn giữ mãi thế nào được mà không rách nát tan tành?” => tác giả dùng phương pháp tổng hợp giúp cho quá trình lập luận càng trở nên thuyết phục hơn: phân tích luận điểm thành 4 ý nhỏ, từ đó đưa ra kết luận chung để tăng sự khẳng định lí do thơ văn không được lưu truyền hết ở đời.

- Trong đoạn trích “Hịch tướng sĩ”, tác giả không sử dụng thao tác tổng hợp mà sử dụng thao tác quy nạp: đưa ra từng dẫn chứng cụ thể gương các bậc trung thần, cuối cùng nêu kết luận đời nào cũng có các bậc trung thần nghĩa sỹ bỏ mình vì nước.

d.

- Nhận định “Thao tác diễn dịch có khả năng giúp ta rút ra chân lí mới  từ các chân lí đã biết” => nhận định đúng. Vì thao tác diễn dịch có xuất phát điểm là luận điểm chân lí, từ đó diễn giải và đi sâu làm rõ bổ sung thêm nội dung chính của luận điểm. Mọi ý đều tập trung và bổ sung cho luận điểm chân lí nên nó mang tính chân lí và k thể phủ nhận được.

- Nhận định “Thao tác quy nạp luôn luôn đưa lại cho ta những kết luận chắc chắn và xác thực” => nhận định không đúng. Vì thao tác quy nạp là từ rất nhiều các dẫn chứng riêng biệt đưa ra kết luận chung. Chúng ta không thể kiểm chứng độ chính xác của những dẫn chứng riêng biệt đó nên kết luận đưa ra chưa chắc đã chắc chắn và xác thực.

- Nhận định “Tổng hợp không chỉ là thao tác đối lập với thao tác phân tích mà còn là sự tiếp tục và hoàn thành của quá trình phân tích” => nhận định đúng. Vì, thao tác phân tích là quá trình mổ xẻ và phân tích nội dung từ chính luận điểm chung thành nhiều dẫn chứng nhỏ. Còn thao tác tổng hợp là từ những dẫn chứng nhỏ đó rút ra 1 kết luận chung. Tổng hợp và phân tích đối lập nhau. Tổng hợp không những đối lập với phân tích mà nó còn tiếp tục phát triển quá trình phân tích và rút ra kết luận chung để kết thúc quá trình phân tích trước đó.

2. Thao tác so sánh

a. Trong bài “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, để nhận thức rõ sự “giống nhau” và “khác nhau”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng thao tác so sánh nhằm nhấn mạnh và khẳng định sự giống nhau: dân ta đều có một lòng nồng nàn yêu nước.

b. Trong đoạn “Bàn về việc so sánh đức nhà Lí và nhà Lê” (Đại Việt sử kí) dùng thao tác so sánh nhằm nhấn mạnh sự khác nhau giữa Lí Thái Tổ và Lê Đại Hành.

Từ a), b) => Thao tác so sánh bao gồm hai loại chính: so sánh giống nhau và so sánh khác nhau.

c. Có người hoài nghi tác dụng của so sánh, vì “mọi so sánh đều khập khiễng”. Điều này không hoàn toàn đúng. Bởi đó chỉ là 1 phần ý kiến mang tính tiêu cực, không thể hiện hết được bản chất của so sánh.

- Để so sánh đúng cách, chúng ta cần lưu ý những điều sau:

   + Những đối tượng (sự vật, hiện tượng) được so sánh phải có mối liên quan với nhau về một mặt (một phương diện) nào đó.

   + Sự so sánh phải dựa trên những tiêu chí cụ thể, rõ ràng và có ý nghĩa quan trọng đối với sự nhận thức bản chất của vấn đề (sự vật, hiện tượng).

   + Những kết luận rút ra từ sự so sánh phải chân thực, mới mẻ, bổ ích, giúp cho việc nhận thức sự vật (hiện tượng, vấn đề) được sáng tỏ và sâu sắc hơn.

Phần III

Trả lời

Câu 1 (trang 134 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

- Tác giả muốn chứng minh: "Thơ Nôm Nguyễn Trãi đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn hoá dân gian, văn học dân gian"

- Để làm rõ điều phải chứng minh, tác giả sử dụng chủ yếu thao tác phân tích.Từ luận điểm chính (Thơ Nôm Nguyễn Trãi tiếp thu nhiều thành tựu của văn hóa, văn học dân gian) tác giả đưa ra những luận cứ nhỏ (sự vật, hiện tượng gần gũi với đời sống nhân dân: củ khoai, quả ổi... đến tục ngữ, thành ngữ, ca dao; làn dân ca, nét dân nhạc) dần dần đi sâu phân tích luận điểm ngày một cụ thể, rõ ràng.

Câu 2 (trang 134 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Viết một đoạn văn nghị luận đề cập đến vấn đề phòng chống tệ nạn xã hội hiện nay.

Ma túy là một trong những vấn đề nhức nhối và bức bối nhất hiện nay. Nó xuất hiện dưới nhiều hình thức tinh vi và ngày càng len lỏi vào đời sống. Tất cả mọi người già- trẻ, gái - trai, giàu – nghèo,… đều có thể trở thành đối tượng tấn công của ma túy. Nó không chỉ gây ra sự kiệt quệ về mặt sức khỏe mà còn làm con người trở nên suy đồi về mặt nhân cách, làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống. Ma túy không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với từng cá nhân mà còn làm suy sụp cả một hệ thống xã hội. Chính vì thế để ngăn chặn được tệ nạn này cần rất nhiều sự nỗ lực chung tay góp sức của cả cộng đồng. Bao gồm từ các cấp lãnh đạo chính quyền đến từng người dân địa phương đều phải ý thức được tác hại của ma túy và những hậu quả do nó gây ra. Từ đó đưa ra những chính sách, định hướng trong việc phòng trừ và đẩy lùi tệ nạn ma túy, góp phần xây dựng đất nước ngày một phồn thịnh hơn.

0.07010 sec| 2429.57 kb