Phương pháp giải
Phương pháp giải:Dựa vào các chi tiết, hình ảnh trong bài thơ phân tích về vẻ đẹp của hình ảnh “chiều xuân”. So sánh hình ảnh ấy với các chi tiết “chiều xuân” đã xuất hiện trong các bài thơ, văn khác để nhận rõ sự khác biệt.
Cách 1
Những cơn mưa xuân đặc trưng nơi miền Bắc là những cơn mưa bụi li ti rơi nhẹ tắm mát cho chồi non ngọn cỏ thêm xanh tươi, mưa xuất hiện trong dòng thơ đầu tiên rất đỗi lặng lẽ trên bến đò vắng, cảnh vật thoáng buồn và chút tĩnh lặng, xe thêm cái lạnh của tâm hồn bằng sự trống trải:
“Mưa bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi”
Từng giọt mưa mãi rơi hững hờ và “êm êm” trước mắt nhà thơ. Từ láy gợi tả hình ảnh những giọt mưa rơi nhẹ điểm xuyết cho khung cảnh, không ồn ào vồn vã hay nặng hạt mà có chút gì như chầm chậm theo từng khoảnh khắc thời gian. Bến sông thì thưa khách đi đò chiều, vắng mênh mông, không gian rộng hơn và sự trống trải lan tỏa vào tâm hồn. Con đò nhỏ sau một ngày làm việc chở khách ngược xuôi trên dòng sông quê hương bây giờ nằm đấy và lắng vào phút giây nghỉ ngơi, mạn đò lung lay theo sóng nhỏ, vô tình trôi bềnh bồng theo nước sông.
Như thế đấy ta có cảm giác nhịp mưa rơi nhịp sóng vỗ nhẹ nhịp đò trôi hòa theo nhau tạo nên bức tranh giản dị nhưng sâu lắng bao cảm xúc. Ánh mắt nhà thơ chuyển hướng và cũng bắt gặp sự yên tĩnh đang bao trùm:
“Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”
Quán tranh được nhà thơ nhân hóa qua động từ “đứng”. Không chỉ là “đứng” mà là “đứng im lìm” và “trong vắng lặng”, từ láy nối tiếp động từ như nhân thêm sự trống vắng không chỉ riêng bến sông gây hiệu ứng mạnh trong khổ thơ. Nơi quán tranh này là trung tâm của hoang vắng và xơ xác khi ngày sắp kết thúc. Hoa tím rụng “tơi bời” vào những phút cuối của ngày dài. Dường như không chỉ con người mệt mỏi mà vạn vật cũng rã rời, trút bỏ tàn dư cuối cùng. Thời gian thì cứ mỗi phút trôi qua mang theo sự rộn ràng hối hả của ban ngày và thay thế là chiếc áo khá buồn tẻ vì cô đơn và vắng lặng khắp nơi.